Văn hoá - Xã hội

Kỷ niệm sinh nhật Bác - một tiết mục đột ngột

13/05/2021 02:00:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Câu chuyện xảy ra ở xã Thủy Đông, huyện Mộc Hóa cũ, tối 18 tháng 5 năm 1947, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch, sau ngày toàn quốc kháng chiến. Lúc ấy xã Thủy Đông làm việc ở đình làng, gần xóm tiệm Bến Kè, trên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Cuộc lễ do tỉnh phối hợp với xã tổ chức. Tỉnh giao trách nhiệm cho đồng chí Huỳnh Văn Gấm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên văn huấn giáo, đại biểu Quốc hội. Cơ quan anh Gấm đóng ở xã Thuận Nghĩa Hòa, cách đó chưa đầy một cây số. Lúc ấy anh Gấm bị bệnh phổi nặng, Tỉnh ủy có yêu cầu tôi từ Sở Thông tin Tuyên truyền Nam bộ, đóng ở bên Vàm Cỏ Đông trở về thay tạm anh Gấm (vì trước đó tôi phụ trách Thông tin tuyên truyền tỉnh). Tiếng là nghỉ bịnh nhưng anh Gấm vẫn ở tại cơ quan, vẫn trực tiếp điều hành mọi công việc. Tiếng là về tạm thay anh nhưng tôi chỉ làm cố vấn và giúp anh những vụ việc anh không làm trực tiếp được như viết bài vở cho báo, làm văn kiện, viết diễn văn v.v...Vì vậy, tôi chứng kiện sự kiện này, nay xin ghi lại cho bạn đọc.

Ý nghĩa cuộc lễ, tổ chức cụ thể anh Gấm phác họa với tôi, sau khi hai anh em bơi xuống đến tận nơi xem xét thực địa và sơ bộ bàn với xã, phường phối hợp tổ chức. Nhờ tài tổ chức của anh Gấm, với sự phân công, phân nhiệm cụ thể giữa cơ quan và địa phương, trong nội bộ cơ quan sau khi kiểm tra mấy lượt trước giờ làm lễ thường coi như hoàn thành một cách xuất sắc trong hoàn cảnh kháng chiến. Lễ đài, đài liệt sỹ, hai bức chân dung Hồ Chủ tịch, cờ xí, hàng chục đèn măng xông 500w, đoàn thiếu nhi mặc thành đồng phục làm hàng rào danh dự, đội thiếu nhi ca múa...Diễn văn khai mạc, lời hiệu triệu của địa phương, những tiết mục ca múa, xen kẽ, đâu đó đều khít rim, ăn khớp một cách tuyệt đẹp không thể chê vào đâu được.

Dúng 7 giờ tối khai mạc, xuồng ghe ken theo bờ sông, len vào các xẻo. Cả một ngàn người nam phụ lão ấu của xã và của các xã chung quanh tề tựu tới đông đủ với tư thế của người dự hội lớn. Cả trăm em thiếu nhi vốn hiếu động làm ban trật tự cuộc lễ phải vất vả mới xếp đặt cho các em ổn định và thường xuyên canh giữ, nhắc nhở.

Sau lời khai mạc của Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã, anh Huỳnh Văn Gấm, nhân danh đại biểu Quốc hội năm trước vừa mới ra họp ở Hà Nội và gặp trực tiếp Hồ Chủ tịch kể lại thân thế, sự nghiệp và tác phong của Bác Hồ cho đồng bào nghe. Sau đó, chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh kêu gọi đồng bào thực hiện lệnh toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Mọi người chăm chú lắng nghe kể cả các em thiếu nhi, dù các em vẫn làm mất trật tự đôi chút. Chỉ còn hai tiết mục xã đội kêu gọi thanh niên tòng quân và bài hát “Bao chiến sĩ anh hùng” để kết thúc buổi lễ một cách tốt đẹp. Bỗng nhiên, từ ngoài bến sông một anh cùng hai bạn ghé xuồng lại, cắm dầm một cái, phóng thẳng lên lễ đài và không cần xin phép ai cả, đứng trên lễ đài, anh cúi rạp chào mọi người và dõng dạc cất tiếng ngâm bài thơ của nhà thơ Tố Hữu về Bác:”...Hồ Chí Minh/Người lính già đã quyết chí hi sinh/cho Việt Nam độc lập/cho thế giới hòa bình...”.

Cả lễ trường, tuy ngoài trời, tuy về đêm, từ người lớn đến trẻ em đều im phăng phắc. Như để nuốt từng lời, từng tiếng bài thơ suy tôn công đức của vị cha già dân tộc, vị lãnh tụ của mình. Không một ai nhúc nhích, không một ai cử động mặc dù muỗi Thủy Đông, muỗi Tháp Mười như rải trấu vào người.

Tôi từ phía lễ đài nhìn xuống đám đông nhận thấy mọi người đều cứng họng và như nín thở cho đến khi anh Lưu (trưởng đoàn tuyên truyền xung phong huyện Mộc Hóa) kết thúc bài thơ. Im lặng một phút, rồi hai phút, y như mọi người đang sống trong một thế giới nào khác. Rồi bỗng nhiên, một tràng vỗ tay như pháo nổ, vỗ rồi lại vỗ, vỗ kéo dài như vô tận. Và, không biết là ai, từ đám đông quần chúng bật lên một tiếng hô lanh lảnh “Hồ Chủ tịch muôn năm !” và tiếng hưởng ứng như sấm vang “Muôn năm !...muôn năm....muôn năm !...”.

Tiếng “Muôn năm” không chỉ rộ lên trên lễ trường nhỏ hẹp của xã Thủy Đông mà còn vang ra xa cả vùng Đồng Tháp Mười mênh mông, nó như tiếng vọng từ quảng trường Ba Đình lịch sử, giữa thủ đô Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi Bác Hồ long trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập.

Đồng bào tỉnh Long An, đồng bào vùng Đồng Tháp Mười, những anh chị em, đồng chí của tỉnh, của Quân khu 8, Quân khu 7, của Nam bộ hẳn còn nhớ năm 1947 lịch sử đó, mọi thanh niên hăm hở lên đường giết giặc cứu nước, mọi người dân vùng này tăng gia sản xuất, nuôi cán bộ, nuôi quân, bảo mật, phòng gian, giữ vững làng xóm, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, nêu cao một tinh thần, đạo đức cao đẹp tuyệt vời khiến bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, một trí thức yêu nước, khi từ thành phố Sài Gòn vào chiến khu dự cuộc hội nghị Nam bộ, tổ chức tại bờ kinh Dương Văn Dương, một tháng sau đó phải kinh ngạc kêu lên: Chiến khu kháng chiến của Cụ Hồ, con người ở đây có đạo đức cao đẹp không khác gì thời Nghiêu Thuấn !

P.TT (trích trong cuốn Lòng dân Long An đối với Bác Hồ)

Các tin khác

  • Huyện Đức Hòa tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao mừng Đảng - mừng Xuân Giáp thìn năm 2024 (25/01/2024)
  • Đức Hòa hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch (02/06/2023)
  • Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác đối với người trên địa bàn huyện (31/05/2023)
  • Mỹ Hạnh Bắc đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới (26/05/2023)
  • Một số lưu ý khi học sinh, sinh viên trở lại trường học (08/02/2022)
  • CHỦ TỊCH UBND TỈNH LONG AN THĂM, ĐỘNG VIÊN NGÀNH Y TẾ TRONG NGÀY LÀM VIỆC ĐẦU NĂM 2022 (08/02/2022)
  • Long An: tổ chức cho học sinh, sinh viên và học viên trên địa bàn tỉnh học trực tiếp trở lại (02/12/2021)
  • Đảng ủy Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng tập thể cá nhân trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 (02/12/2021)
  • Sở Chỉ huy Tiền phương ban hành kế hoạch tiết lập Trạm, Chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn huyện Đức Hòa (23/08/2021)
  • Tạm ngưng lưu thông qua một số cầu Láng Ven và cầu Bàu Trai trên địa bàn huyện Đức HÒa từ ngày 10/7 (10/07/2021)
  • Trang đầu 12 Trang cuối